Theo Bộ Y tế, mặc dù về tổng thể trên toàn quốc thì Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã đạt 2 con) nhưng mức sinh còn rất khác nhau giữa các vùng miền và giữa các tỉnh/thành phố. Trong khi vẫn còn nhiều tỉnh/thành phố chưa đạt được mức sinh thay thế, nhưng đã có những tỉnh/thành phố có mức sinh thấp hơn mức sinh cho phép.
Nghị quyết của Đại hội Đảng khóa XI đã đề ra chỉ tiêu đến năm 2015 và đến năm 2020, “tỷ lệ tăng dân số ở nước ta ở mức khoảng 1%”. Điều đó có nghĩa rằng không được phép để cho tỷ lệ tăng dân số tăng cao nhưng đồng thời cũng không cho phép tỷ lệ này hạ thấp quá mức. Vì thế trong thời gian tới, việc kiểm soát mức sinh phải rất linh hoạt tuỳ thuộc vào mức sinh của từng địa phương. Trong khi đó hiện nay mức sinh của các tỉnh/thành phố có khác nhau; có tỉnh/thành phố cần phải giảm mức sinh (như khu vực Tây Nguyên, Miền núi phía Bắc, Đồng bằng Sông Hồng), nhưng có tỉnh/thành phố cần phải tăng mức sinh như TPHCM, miền Tây Nam Bộ…
Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam bắt đầu gia tăng vào đầu những năm 2000 nhưng tốc độ gia tăng lại hết sức nhanh chóng hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Hiện nay, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam khoảng 113 bé trai/100 bé gái. Tình trạng này sẽ tác động xấu đến trật tự, an ninh xã hội, gây khó khăn trong việc xây dựng gia đình của các thế hệ tương lai.
theo dantri