
Tuyên truyền phòng, chống bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Ninh Bình.
Đã điều trị được 15 ngày tại Khoa Lao (Bệnh viện Phổi Ninh Bình), bệnh nhân Nguyễn Văn Giang, 27 tuổi ở Kim Sơn giờ đây mới hiểu được sự nguy hiểm của bệnh lao không những nguy hại tới sức khỏe bản thân mà còn nguy hại tới cộng đồng nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Bệnh nhân Giang chia sẻ: Tôi làm nghề lái xe, thường xuyên hút thuốc lá, nhưng 1 lần bị ho ra máu tôi đã tới bệnh viện khám, được các bác sỹ chẩn đoán mắc lao. Khi phát hiện bệnh, tôi theo phác đồ điều trị của bác sỹ tại Bệnh viện Phổi, đến nay bệnh tình đã giảm nhiều, không còn ho ra máu.
Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Thị Kim Thu, Phó khoa Lao- Bệnh viện Phổi cho biết: Khoa Lao hiện đang điều trị 65 bệnh nhân, trong đó lao dương tính khoảng 30 bệnh nhân. Bệnh nhân lao thường có biểu hiện sốt cao, sốt cơn hoặc sốt nhẹ về chiều, sút cân, ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, dù bệnh nhân đã dùng kháng sinh điều trị không giảm bệnh sẽ nghĩ tới bệnh lao. Khi bệnh nhân đến viện thường biểu hiện da xanh, thể trạng rất mệt mỏi, sút cân, có những trường hợp bệnh nhân khó thở hoặc suy hô hấp. Trong quá trình điều trị lao theo phác đồ, đúng thuốc, đủ thời gian, đủ liều lượng, điều trị lao ít nhất từ 6 tháng trở lên. Bệnh nhân điều trị tại Khoa lao chủ yếu là lao phổi và lao màng phổi.
Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Thị Bích Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi cho biết: Năm 2018, Bệnh viện Phổi thu nhận 771 bệnh nhân lao, đạt 103% kế hoạch. Tỷ lệ người xét nghiệm đờm phát hiện bệnh lao chiếm 1,2%. Tỷ lệ khỏi bệnh đạt 90,4%. Ninh Bình có tỷ lệ bệnh lao phát hiện hàng năm khoảng 110/100.000 dân số, mỗi năm phát hiện từ 750-800 bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh lao phát hiện tại tỉnh theo tỷ lệ chung ở miền Bắc và trong mức độ trung bình đối với toàn quốc.
Đối với Ninh Bình, công tác phòng, chống, điều trị lao được triển khai nhiều năm nay, hệ thống y tế phòng chống lao được triển khai từ tỉnh đến cơ sở. Mỗi xã có 1 cán bộ chuyên trách lao, đối với tuyến huyện có 1 tổ chống lao nằm trong Bệnh viện Đa khoa huyện hoặc Trung tâm y tế huyện; ở tuyến tỉnh là Bệnh viện Phổi Ninh Bình chỉ đạo về chương trình chống lao. Công tác dự phòng bệnh lao được quan tâm tuyên truyền như nhân ngày thế giới phòng, chống lao (24/3) hằng năm; theo kế hoạch phòng chống lao hằng năm của tỉnh; qua tuyên truyền phòng chống lao trực tiếp tại cơ sở, cụm dân cư để người dân biết rõ về bệnh lao và những nguy hiểm từ bệnh lao, dấu hiệu triệu chứng cơ bản và điều trị kịp thời.
Trong công tác điều trị, Bệnh viện Phổi đã được đầu tư, trang bị nhiều máy móc, thiết bị y tế hiện đại, thuốc, vật tư, hóa chất luôn đảm bảo, đáp ứng được nhu cầu các kỹ thuật sâu, kỹ thuật cao để phục vụ tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tỉnh. Các kỹ thuật cao được đưa vào chẩn đoán và điều trị lao như nuôi cấy hoặc chụp qua hệ thống GeneXpert - là ứng dụng kỹ thuật phát hiện lao nhanh, chỉ sau 2 giờ là có kết quả chẩn đoán lao và lao kháng thuốc; chụp cắt lớp vi tính để sàng lọc sớm bệnh; phương pháp kỹ thuật nhuộm hình quang; nuôi cấy nhanh vi khuẩn trên môi trường lỏng sau 2 tuần có kết quả... Nhờ ứng dụng thành công các thiết bị, kỹ thuật hiện đại đã giúp cho công tác chẩn đoán, điều trị được an toàn, kết quả nhanh và chính xác hơn trước đây, đồng thời tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại ngay tại tỉnh, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo, vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, hiện nay khó khăn trong điều trị bệnh lao là nhiều người còn mặc cảm; sự kỳ thị vẫn còn trong cộng đồng. Tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị vẫn còn, chiếm khoảng 1-1,5%; tỷ lệ tử vong do lao và tử vong do nguyên nhân khác kèm theo trong quá trình điều trị lao từ 1,5-2% (thấp hơn bình quân trong toàn quốc). Để tiến tới loại trừ bệnh lao, thời gian tới, cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về bệnh lao để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân. Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế ở các tuyến về công tác chẩn đoán và điều trị; tăng cường kiểm tra, giám sát tại cộng đồng, mỗi năm xây dựng kế hoạch khám sàng lọc tại thôn, xóm và xã, phường, dự kiến mỗi năm từ 20-30 điểm trở lên; nhắn tin hỗ trợ bệnh nhân lao theo Chương trình “Nhắn tin hỗ trợ chữa bệnh lao” qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia với cú pháp “TB gửi 1402” từ ngày 10/3/2019 đến hết ngày 9/5/2019 nhằm hỗ trợ bệnh nhân lao do Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) chủ trì thực hiện.
(Theo Báo Ninh Bình)