Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

NHỮNG BÀI HỌC RÚT RA TỪ ĐẠI DỊCH COVID -19 LIÊN QUAN ĐẾN GIÀ HÓA DÂN SỐ

Đại dịch Covid -19 khởi phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), đã lan truyền đến hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, gây tổn thất to lớn về con người và kinh tế, làm đảo lộn cuộc sống toàn cầu. Tuy đại dịch chưa kết thúc, số liệu thống kê chưa đầy đủ nhưng những gì có được cho đến nay, có thể rút ra một sốg vấn đề và bài học từ đại dịch liên quan đến già hóa dân số.

1. Dịch bùng phát nhanh hơn, hậu quả nặng nề hơn ở những khu vực, những nước có dân số già

Ngày 31/12/2019, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), xác nhận đang điều trị cho các bệnh nhân viêm phổi do coronavirus mới lạ (virus Covid-19) tại thành phố Vũ Hán [12]. Sau gần 4 tháng, ngày 24/4/2020, số ca bệnh do nhiễm Covid 19 của cả tỉnh Hồ Bắcđã tăng lên 68.128 và 4.512 người chết [6].Trong số bệnh nhân, 31,2 %  là người cao tuổi (NCT), còn trong số người tử vong, NCT chiếm đến 81%, [5].

Ngày 24/01/2020, châu Âu, mới ghi ca nhiễm Covid -19 đầu tiên nhưng dịch bệnh ở đây bùng phát nhanh mạnh hơn nhiều so với Hồ Bắc. Chỉ sau3 tháng, số bệnh nhân đã lên đến 1.301.420; số ca tử vong là 114.818 [6] và “hơn 95% người chết ở độ tuổi 60”, [7].Đương nhiên, châu Âu có số dângấp khoảng 12 lần dân số Hồ Bắc, nhưng số bệnh nhân lại gấp hơn 19 lần và số tử vong nhiều hơn tới 25 lần! Vì saobệnh dịch Covid-19 lại bùng phát mạnh mẽ như vậy ở châu Âu? Và vì sao trong số nạn nhân của đại dịch, NCT chiếm tỷ trọng cao như vậy? Có nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến yếu tố “dân số già” của châu lục này. Rõ ràng, tuổi càng cao, sức khỏe càng thấp, càng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng. Vì thế, khi bị nhiễm virus Covid -19, cơ thể không đủ sức chống lại, nhất là  NCT có các bệnh nền khác, như: Tim mạch, tiểu đường, hô hấp mãn tính, cao huyết áp và ung thư,…Trong khi đó, năm nay, châu Âu có hơn 195 triệu NCT, chiếm 26,2% tổng dân số; tỷ lệ này cao gấp 2 lần Hồ Bắc! [13].

Bài học rút ra là, NCT là nạn nhân chủ yếu của virus Covid -19, vừa là một nhân tố làm cho số ca nhiễm, số người chết tăng mạnh. Trong khi đó, thế giới và Việt Nam đang già hóa nhanh.

2. Thế giới đang già hóa nhanh. Việt Nam thuộc nhóm nước già hóa nhanh nhất thế giới

Một trong những đặc điểm xã hội nổi bật nhất trong thế kỷ XXI là quá trình “bùng nổ người cao tuổi” cả về số lượng và tỷ lệ trong tổng dân số. Nếu năm 1950, thế giới mới có 214 triệu là người cao tuổi (NCT), chiếm 8,6% tổng dân số thì năm nay (2020), theo Liên Hợp quốc, các con số này tương ứng đã tăng lên  gần 1.050 triệu và 13,5%. Dự báo năm 2050 sẽ có khoảng 2.080 triệu NCT, chiếm 21,4% tổng dân số, đủ tiêu chuẩn trở thành thế giới có dân số già,[13]! Dễ thấy rằng, suốt 70 năm (1950-2020), tỷ lệ NCT trong tổng dân số chỉ tăng thêm được 4,9% thì chỉ 30 năm (2020-2050), tỷ lệ này sẽ tăng thêm tới 11,9% và đạt 21,4%!

Cùng với xu hướng chung của thế giới, số lượng và tỷ lệ NCTViệt Nam không ngừng tăng lên, hiện đã đạt 11,41 triệu người, chiếm gần 12% trong tổng dân số, (Bảng1).

Bảng 1: Người cao tuổi của Việt Nam: Số lượng và tỷ lệ.

Thời điểmTổng điều tra

Số dân                 (triệu người)

Số NCT          (triệu người)

Tỷ lệ NCT (%)

1-10 - 1979

52,7

3,71

7,00

  1. 4 - 1989

64,4

4,64

7,20

  1. 4 - 1999

76,3

6,19

8,11

  1. 4 - 2009

85,8

7,45

8,70

  1. 4 - 2019

   96,2

11,41

11,86

Nguồn:[1], [2], [3], [4],[9]

Bảng 1 cho thấy: Nhịp độ tăng NCT ở nước ta rất nhanh và nhanh hơn nhiều so với nhịp độ tăng dân số. Nếu trong 40 năm, từ 1979 đến 2019, dân số tăng lên 1,8 lần thì NCT tăng lên 3,1 lần! Đặc biệt, nhóm 80 tuổi trở lên tăng tới hơn 4,6 lần và hiện đã có tới 1.918.719 người, [1]; đến giữa thế kỷ sẽ đạt tới 6.294 ngàn người, [13]!Hiện nay, tỷ lệ NCT của Việt Nam thấp hơn thế giới (gần 12% so với 13,5%) nhưng đến giữa thế kỷ,tỷ lệ này sẽ đạt tới 26,2% cao hơn thế giới (24,1%),[13]. Một so sánh khác, các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ thì tỷ lệ NCT trong tổng dân số mới tăng từ 10% (bắt đầu giai đoạn già hóa) lên 20% (bắt đầu thời kỳ dân số già), chẳng hạn, Pháp: 115 năm,Thụy Điển: 85 năm, Úc: 73 năm, Mỹ: 69 năm…nhưng ở Việt Nam chỉ mất 20 năm [8].

Già hóa dân số nhanh do hai nguyên nhân: Mức sinh giảm mạnh và tuổi thọ tăng nhanh. Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, ở nước ta, mỗi phụ nữ sinh khoảng 7 con và tuổi thọ trung bình chỉ khoảng 57 tuổi, [13]nhưng từ năm 2005 đến nay, bình quân mỗi phụ nữ hết tuổi sinh đẻ chỉ sinh khoảng 2 con và tuổi thọ năm 2019 đã tăng lên 73,5 năm, [1]. Mức sinh sẽ tiếp tục giảm, tuổi thọ sẽ tiếp tục tăng. Vì vậy, già hóa dân số sẽ ngày càng sâu sắc. Mặt khác, thế hệ NCT ở nước ta hiện nay sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong nghèo khó và hiện hơn 2/3 sống ở nông thôn. Vì vậy, sức khỏe không được tốt. Theo một cuộc khảo sát gần đây, 30% nữ cao tuổi tự đánh giá “không khỏe lắm” hoặc “rất yếu”; tỷ lệ này ở nam giới là 23%. Đặc biệt,gần một nửa số cụ từ 80 tuổi trở lên cũng tự đánh giá “không khỏe lắm” hoặc “rất yếu”, [14]. Kinh nghiệm ở châu Âu vừa qua cho thấy “8 trong số 10 trường hợp tử vong (do virus Covid -19) là những người mắc ít nhất một bệnh nền, đặc biệt là những người mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp và tiểu đường,…”[7]! Trong khi đó, ở nước ta, tỷ lệ những người mắc bệnh nền đặc biệt này khá cao (Bảng 2).

 Bảng 2: Tình trạng bênh tật của người cao tuổi Việt Nam -2018

 

Nhóm tuổi

Tỷ lệ mắc một số bệnh  (%)

Tăng huyết áp

Đái

đường

Thiếu máu,

 nhồi máu cơ tim

Tiêu hóa

60-69

55,8

  9,1

11,6

17,9

70-79

69,9

10,8

13,7

22,0

80+

74,6

  6,5

11,9

16,3

Nguồn: [14].

Kinh nghiệm châu Âu cho thấy dân số già, tình trạng bệnh tậtcủa NCT đã làm trầm trọng thêm chiều rộng và chiều sâu hậu quả của đại dịch virus Covid -19. Đối với nước ta, trong bối cảnh già hóa nhanh, sức khỏe của NCT còn có nhiều vấn đề; bài học rút ra là, sự quan tâm đến việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của NCT không chỉ là bảo vệ NCT mà còn là bảo vệ sức khỏe của chính cộng đồng.

3. Đa dạng hóa và phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Mặc dù hiện nay ở nước ta có một số cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe NCT, như các Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm chăm sóc người cao tuổi tư nhân,…nhưng tuyệt đại bộ phận NCT sống cùng con cháu tại gia đình và được người thân, chủ yếu là phụ nữ chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, mô hình“tự cung, tự cấp” chăm sóc NCT  truyền thống này đang gặp thách thức lớn. Thứ nhất, quy mô gia đình nhỏ dần, năm 2019, trung bình mỗi gia đình chỉ có 3,6 khẩu; khu vực thành thị chỉ có 3,4 khẩu.Thứ hai, điều quan trọng hơn làngày nay, phụ nữ cũng hoạt động kinh tế tương tự nam giới. Năm 2019, trong lực lượng lao động, nam giới chiếm 52,7% và nữ giới chiếm 47,3%, nghĩa là gần cân bằng;thậm chí,ở các vùng: Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, nữ giới chiếm trên dưới 49% [1].Kết quả là khan hiếm lao động nội trợ, việc chăm sóc sức khỏe NCT “tại gia” trở nên khó khăn hơn.Mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và NCT nói riêng đã hình thành từ Trung ương đến cơ sở nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Năm 2018, cả nước chỉ có 27,5% NCT được khám sức khỏe định kỳ và hơn 1,57 triệu NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe. [11].

Rõ ràng, đa dạng hóa và phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe NCT là yêu cầu cấp bách nhằm thích ứng với già hóa nhanh góp phần phát triển bền vững, bao trùm ở nước ta hiện nay. Để đạt được yêu cầu này, một số giải pháp chủ yếu dưới đây cần được chú trọng:

Một là, củng cố, phát triển, nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống các bệnh mạn tính,khám, chữa bệnh cho NCT phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở y tế từ Trung ương đến xã/phường.

Hai là, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT (Truyền thông lồng ghép khám sức khỏe; xây dựng trung tâm chăm sóc sức khỏe NCT- nơi tổ chức các hoạt động phục hồi chức năng, rèn luyện sức khỏe, thể thao, vui chơi, giải trí; tư vấn về sức khỏe,…;lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe vào hoạt động của các câu lạc bộ của NCT; ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn và chăm sóc sức khỏe NCT; xây dựng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình;mở rộng và phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe y dược cổ truyền; đa dạng mô hìnhchăm sóc sức khỏe dài hạn…)

Ba là,phát triển mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia chăm sóc sức khỏe NCT (tư vấn, truyền thông, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe,thu thập thông tin về NCT,…), đặc biệt quan tâm đào tạo, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ chăm sóc sức khỏe NCT.

Những giải pháp chủ yếu nói trên chỉ có thể được thực hiện khi các cấp ủy đảng, chính quyền; cơ quan ban ngành, đoàn thể; mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc sức khỏe NCT. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền về già hóa nói chung và chăm sóc sức khỏe NCT nói riêng.​

                                                                                         GS.TS. Nguyễn Đình Cử

                                                            Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội,

                                                                                  Trường Đại học Kinh tế quốc dân

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

[1]. Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ởthời điểm 1- 4- 2019. Các kết quả chủ yếu.

[2]. Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở  Trung ương. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Hà Nội, 2010.

[3]. Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương. Dân số Việt Nam 1-10-1979. Hà Nội, 1983.

[4]. Central census steering committee. 1999 population and housingcensus: Sample results. The gioi publishers. Hanoi, 2000.

[5]. CCDC. Vital Surveillances: The Epidemiological Characteristics of an Outbreak of 2019 Novel Coronavirus Diseases (COVID-19) - China, 2020

(http://weekly.chinacdc.cn/en/article/id/e53946e2-c6c4-41e9-9a9b-fea8db1a8f51)

[6]. Covid 19 live data. (https://ncovid.info/)

[7]. Dr Hans Henri P. Kluge, WHO Regional Director for Europe. Statement - Older people are at highest risk from COVID-19, but all must act to prevent community spread.                                                   (http://www.euro.who.int/en/health-topics/health-emergencies/coronavirus-covid-19/statements/statement-older-people-are-at-highest-risk-from-covid-19,-but-all-must-act-to-prevent-community-spread)

[8]. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA). Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách. Hà Nội, tháng 7, năm 2011

[9].Tổng cục Thống kê.Tổng điều tra dân số Việt Nam -1989. Phân tích kết quả điều tra mẫu. Hà Nội, 1991.

[10].The Lacet. Clinical and virological data of the first cases of Covid -19 inEurope: a case series.

(https://www.thelancet.com/journals/laninf/article/PIIS1473-3099(20)30200-0/fulltext)

[11]. Thông báo 08/TB-VPCP ngày 07/01/2019 về ý kiến kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và KH hoạt động năm 2019 của Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam

[12]. Tổ chức Y tế thế giới  WHO Timeline - COVID-19

(https://www.who.int/news-room/detail/08-04-2020-who-timeline-covid-19)

[13]. UN. World Population Prospects 2019 (https://population.un.org/wpp/)

[14].Vũ Công Nguyên. Nghiên cứu dọc về Người cao tuổi và Sức khỏe ở Việt Nam 2018. Tài liệu Hội thảo “Già hóa dân số và sức khỏe người cao tuổi”. Hà Nội, tháng 12 năm 2019. 

 

 

 

Lượt xem: 385 - Cập nhật lần cuối: 2022/03/18 08:46:06
Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ : Số 3, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình
Điện thoại: 0229 3871216    -   Fax: 0229 3871216
Email: dansoninhbinhweb@gmail.com    -   Website: http://dansoninhbinh.vn
Đơn vị xây dựng và phát triển: www.ntssvn.com