Nguồn gốc ngày Quốc tế Người cao tuổi
Năm 1982, Đại hội thế giới về Tuổi già lần đầu tiên được Liên Hợp Quốc tổ chức tại Áo với hơn 3.000 đại biểu của hầu hết các nước trên thế giới tham dự. Đại biểu của Việt Nam là giáo sư Phạm Khuê, Viện trưởng Viện lão khoa Việt Nam.

Hội nghị đã thông qua chương trình hoạt động quốc tế về tuổi già; khuyến nghị Chính phủ và nhân dân các nước quan tâm giải quyết từng bước những vấn đề về người cao tuổi, căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình, tập trung vào 6 lĩnh vực: Sức khỏe và ăn uống; Nhà ở và môi trường; Gia đình; Dịch vụ và bảo trợ xã hội; Việc làm; Nâng cao sự hiểu biết của người cao tuổi về cuộc sống.
Ý nghĩa ngày Quốc tế Người cao tuổi
Ngày Quốc tế Người cao tuổi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến người cao tuổi, chẳng hạn như quá trình lão hóa và lạm dụng người cao tuổi.
Đây cũng là một ngày để ghi nhận những đóng góp của người cao tuổi đối với xã hội và là trọng tâm của Chương trình về người cao tuổi của Liên hiệp Quốc và các tổ chức bảo vệ người cao tuổi.
Chủ đề ngày Quốc tế Người cao tuổi năm 2022
Năm nay, ngày Quốc tế Người cao tuổi rơi vào thứ Bảy với chủ đề là “Khả năng phục hồi và đóng góp của phụ nữ lớn tuổi”. Chủ đề này đóng vai trò là dấu ấn và lời nhắc nhở về vai trò quan trọng của phụ nữ lớn tuổi trong việc vượt qua những thách thức toàn cầu và thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ, những đóng góp của họ cho sự phát triển của xã hội.
Hưởng ứng ngày Quốc tế người cao tuổi năm nay, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Ninh Bình đã ban hành kế hoạch số 23/KH-CCDS, ngày 06/9/2022, tại kế hoạch cũng đã nêu rõ một số nhiệm vụ cần được tăng cường thực hiện, cụ thể là: Truyền thông vận động nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; các nhà hoạch định chính sách; các chức sắc tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng… về cơ hội, thách thức đối với việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi (NCT) nhằm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, kế hoạch và đầu tư cho việc chủ động thích ứng với già hóa dân số; xây dựng môi trường chăm sóc sức khỏe thân thiện với NCT nhất là ở gia đình và cộng đồng. Tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về: quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT; từng bước xóa bỏ các định kiến về chăm sóc sức khỏe NCT tại các cơ sở tập trung (nhà dưỡng lão, trung tâm dưỡng lão…); các cơ quan, tổ chức, gia đình và cộng đồng không kỳ thị và coi người cao tuổi là gánh nặng; cần quan tâm giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò NCT; nghĩa vụ, trách nhiệm phụng dưỡng NCT của gia đình và cộng đồng có NCT. Tuyên truyền về các văn bản của Nhà nước có liên quan đến chăm sóc NCT như: Quyết định 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế phê duyệt đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về NCT. Đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung; Thực hiện hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc, tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe đối với NCT và gia đình có NCT; Đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của NCT với chất lượng ngày càng cao, với chi phí và hình thức phù hợp.
QUỲNH TRANG - CCDS