Mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh làm phá vỡ kết cấu bền vững gia đình

Đối với mỗi người dân Việt Nam, có lẽ tư tưởng phải sinh bằng được con trai để giúp nối dõi tông đường chắc hẳn không còn xa lạ gì. Trong những năm gần đây, cũng chính vì suy nghĩ và thiên kiến này đã khiến cho số trẻ trai được sinh ra ngày càng nhiều hơn so với trẻ gái. Điều đáng buồn khi tình trạng này đang trở nên phổ biến ở rất nhiều địa phương trong cả nước.

 

 
Việc lựa chọn giới tính khi sinh đã khiến cho tình trạng mất cân bằng giữa tỷ suất trẻ trai với trẻ gái trong cả nước trở nên khá nghiêm trọng, song phần lớn tâm lý người dân vẫn còn khó thay đổi bởi họ chưa nhận thấy được hậu quả trước mắt. Tuy nhiên, theo ngành chức năng đánh giá, chỉ khoảng vài chục năm nữa, khi hàng triệu nam giới nước ta đến độ tuổi kết hôn, việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy mà cả xã hội không thể lường trước được.
  Trong hơn 60 năm qua, nước ta đã thực hiện tốt công tác kế hoạch hoá gia đình, nhờ đó giúp giảm sinh hàng chục triệu người. Tuy nhiên, hiện chúng ta lại đang phải đối mặt với những vấn đề mới của lĩnh vực dân số, trong đó có những thách thức lớn gây tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
  Phân tích của các chuyên gia cho thấy, hiện nước ta đang nằm trong nhóm 15 quốc gia có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao. Thêm vào đó, dù xuất hiện muộn nhưng tốc độ mất cân bằng giới tính tại Việt Nam đang gia tăng rất nhanh, lan rộng từ thành thị đến nông thôn và diễn ra ở khắp 6/6 vùng lãnh thổ trong cả nước. Ở các khu vực phát triển và càng những người có điều kiện kinh tế, tỷ lệ học vấn cao lại càng lựa chọn giới tính khi sinh cao.
Theo báo cáo của Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), sau 1 năm triển khai thực hiện đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2016- 2020, tỷ số giới tính khi sinh của nước ta có thay đổi, song không đáng kể. Cụ thể: Năm 2015, tỷ số giới tính là 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái; đến năm 2016 còn 112,2/100 (theo số liệu điều tra biến động dân số).
  Trong khi trước đó, tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2013 là 113,8 trẻ trai/100 trẻ gái, năm 2014 khoảng 111,2/100. Như vậy cho thấy, tỷ số sinh của nước ta ở thời điểm hiện nay còn đang cao hơn so với năm 2014 mặc dù đã triển khai thực hiện đề án nói trên.
  Thống kê của cơ quan chuyên ngành dân số cũng cho biết, hiện 18 tỉnh, thành đang có tỷ số giới tính khi sinh giảm so với năm 2015; thế nhưng, vẫn còn tới 45 tỉnh, thành có tỷ số này tăng và ở mức cao đáng báo động. Cụ thể, ở những nơi này, tỷ lệ bé trai sinh ra cao hơn nhiều so với số bé gái, có khi tới 148,4 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc dân số, cấu trúc gia đình…
  Tuy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã được cảnh báo trước nhưng trên thực tế, chúng ta lại chưa có các biện pháp hiệu quả để giải quyết thỏa đáng vấn đề này. Đáng nói là 50% số tỉnh, thành phố trong cả nước có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh năm sau vẫn đang còn cao hơn năm trước. Nếu như năm 2014, mới chỉ có 15/63 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh ở mức 115 trẻ nam/100 trẻ nữ; năm 2016, đã tăng lên 22/63 tỉnh, thành phố. Xu hướng này cũng diễn ra không giống nhau tại các vùng trên cả nước.
  Cụ thể, tại các khu vực thành thị, tỷ số giới tính khi sinh giảm, trong khi ở khu vực nông thôn lại tăng lên. Theo khảo sát mới nhất của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, hiện 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi.
  Nguyên nhân chính của thực trạng này xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ, tâm lý mong đợi sự khác biệt về vai trò của con trai và con gái trong mỗi gia đình. Bên cạnh đó, xu hướng và áp lực giảm sinh của Nhà nước với khuyến cáo mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1- 2 con, cộng thêm những tác động của các yếu tố kinh tế, phúc lợi xã hội… cũng là nguyên nhân gián tiếp tác động đến thực trạng này. Chính từ tư tưởng coi trọng nam giới và áp lực giảm sinh khiến nhiều cặp vợ chồng quyết định sử dụng các biện pháp nhằm lựa chọn giới tính khi sinh; nhất là đối với những gia đình có điều kiện và học vấn cao, chỉ thích sinh con trai…
  Dự báo rằng chỉ cần khoảng hơn một thập kỷ nữa là Việt Nam sẽ không còn là một nước có "dân số vàng" nữa. Trong bối cảnh toàn cầu đang tập trung đầu tư một cách khoa học cho tương lai, khi cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư phát triển, ngay cả tài nguyên dân số vàng mà nước ta cũng không còn nữa thì sẽ thấy được khó khăn ngày càng chồng lên khó khăn đối với quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Nếu mức độ chênh lệch vẫn tăng nhanh như vậy, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3- 4,3 triệu phụ nữ, dư thừa đàn ông trong độ tuổi kết hôn. Trong khi ở thời điểm hiện tại, nước ta mới chỉ thiếu hụt khoảng vài trăm nghìn phụ nữ.
  Có thể thấy, vấn đề làm sao để giảm dần tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang trở thành việc làm cần thiết và cấp bách của cả xã hội. Thời gian qua, những biện pháp đưa ra nhằm giảm tỷ lệ mất cân bằng này vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả cũng chưa cao bởi phần lớn chúng ta chỉ mới chú trọng về kỹ thuật, cấm siêu âm, chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính...
  Trong khi đó, biện pháp căn bản, cốt lõi và bền vững vẫn là cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động mỗi người dân. Qua đó nhằm thay đổi dần về tư tưởng, quan niệm “trọng nam khinh nữ”, ưa thích con trai và các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, đồng thời đẩy mạnh việc bình đẳng giới.
 
dansoninhbinh

 

Lượt xem: 735 - Cập nhật lần cuối: 2019/01/12 20:34:08
Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ : Số 3, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình
Điện thoại: 0229 3871216    -   Fax: 0229 3871216
Email: dansoninhbinhweb@gmail.com    -   Website: http://dansoninhbinh.vn
Đơn vị xây dựng và phát triển: www.ntssvn.com