Chương trình học tập kinh nghiệm về kiểm soát quy mô dân số và mức sinh tại Chi cục Dân số - KHHGĐ thành phố Hải Phòng, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Y tế huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã thu được nhiều kết quả bổ ích cho các thành viên, cụ thể như sau:
Về tổ chức bộ máy: Kiện toàn, ổn định, bố trí đủ về số lượng, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, thống nhất mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số tỉnh đến cơ sở. Hàng năm, cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp. Rà soát, xây dựng, ban hành chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cộng tác viên dân số ở thôn, bản, tổ dân phố, có cơ chế ưu đãi đối với vùng khó khăn để đội ngũ này yên tâm cống hiến và hoạt động có hiệu quả.
Về quản lý Chương trình Dân số: Mở rộng toàn diện nội dung quản lý, truyền thông, giáo dục cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế – xã hội; duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.
Về thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc điều chỉnh, ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích như khuyến khích các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ KHHGĐ, bao gồm phương tiện tránh thai; bồi dưỡng, hỗ trợ người thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ, người vận động thực hiện KHHGĐ.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hình thức đa dạng, phong phú và thiết thực, phù hợp với văn hóa, tập quán từng nhóm đối tượng và từng vùng mức sinh.
Mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ có liên quan tới mọi người dân đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ, không phân biệt giới, người đã kết hôn, người chưa kết hôn.
Về chính sách: Tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác dân số nói chung, chương trình điều chỉnh mức sinh nói riêng. Đồng thời, có chính sách khen thưởng kịp thời đối với những CTV dân số tiêu biểu, có thành tích xuất sắc để khuyến khích, động viên và “giữ chân” đội ngũ CTV dân số gắn bó lâu dài với công việc.
Sau quá trình trao đổi, học tập kinh nghiệm kiểm soát quy mô dân số và mức sinh, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu, chỉ đạo, điều hành công tác dân số và phát triển trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp tục tham mưu, đề xuất với các cấp lãnh đạo nhằm bố trí đủ số lượng công chức làm việc tại Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP của Chính phủ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công việc trong tình hình mới; thống nhất một mô hình phòng (hoặc khoa) dân số đối với cấp huyện đảm bảo đủ về số lượng thực tế làm việc; viên chức tại Trạm Y tế chỉ làm công tác dân số. Tăng chi ngân sách địa phương cho công tác dân số nói chung, nhất là đối với tuyến huyện và xã theo bình quân dân số, kinh phí thực hiện các hoạt động truyền thông và các hoạt động về chương trình điều chỉnh mức sinh, kinh phí thực hiện Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ KHHGĐ đối với tỉnh Ninh Bình là tỉnh có mức sinh cao. Đưa mục tiêu, chỉ tiêu về quy mô dân số và mức sinh vào hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương; huy động các ngành, đoàn thể, tổ chức tham gia thực hiện kế hoạch; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, đơn vị trong tổ chức thực hiện, gắn kết quả thực hiện với việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị, nhất là đối với người đứng đầu. Đề xuất khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt Chương trình điều chỉnh mức sinh; chính sách bồi dưỡng, ưu tiên cộng tác viên dân số vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp với các các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí, tổ chức tập huấn/bồi dưỡng/đào tạo liên tục nâng cao năng lực chuyên môn về KHHGĐ cho viên chức làm công tác cung cấp dịch vụ Dân số/SKSS/KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở. Phối hợp với các đơn vị, cơ sở Y tế cung cấp các dịch vụ SKSS/KHHGĐ và các dịch vụ có liên quan cung ứng linh hoạt (kể cả ngoài giờ và ngày nghỉ) các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ thân thiện cho vị thành niên, thanh niên, công nhân khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp. Thí điểm mô hình xã hội hóa dịch vụ dự phòng, sàng lọc vô sinh, ung thư đường sinh sản tại cộng đồng cho nhóm dân số trẻ đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả của người dân.
Mai Hữu Hạnh