Cơ sở vật chất
Tất cả các TYT trên địa bàn đều được xây dựng tương đối đầy đủ về cơ sở vật chất theo mô hình chung, có từ 06 đến 20 phòng, nhà vệ sinh tự hoại, nơi xử lý chất thải phục vụ cho hoạt động thực hiện dịch vụ KHHGĐ, có bình quân 02 hoặc 03 máy tính kết nối internet, sử dụng điện thoại di động cá nhân phục vụ công việc. Phần lớn các TYT tế xã bố trí khu vực ngồi chờ là sảnh trụ sở, có mái che, quạt điện, nước uống, ghế ngồi, dung dịch sát khuẩn và các tài liệu truyền thông (sách lật, tờ rơi về chăm sóc SKSS/KHHGĐ) cho khách hàng.
Có phòng thủ thuật riêng hoặc ghép phòng thủ thuật KHHGĐ với phòng đẻ sạch sẽ, đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, có nơi rửa tay, tủ thuốc và dụng cụ, một số trang thiết bị, dụng cụ thực hiện KHHGĐ, khám phụ khoa tại TYT, có thuốc/hóa chất sát khuẩn và khử khuẩn. Các TYT tuyến xã đều quan tâm bố trí phòng hoặc góc truyền thông – tư vấn đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, một số xã bố trí giá/kệ để sản phẩm truyền thông, tài liệu KHHGĐ để khách hàng xem hoặc mang về.
Nhân lực và đào tạo
Nhân lực tại Trạm Y tế xã có thể cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại Trạm Y tế xã phần lớn là kiêm nhiệm các công việc khác tại Trạm, được đào tạo, tập huấn về kỹ năng truyền thông, tư vấn KHHGĐ, về quy trình vô khuẩn dụng cụ, lập kế hoạch, giám sát hỗ trợ, quản lý chất lượng cung cấp dịch vụ, chế độ thống kê báo cáo, quản lý hậu cần tránh thai....
Nhiều TYT chưa có viên chức được tập huấn kỹ thuật cấy que tránh thai, tiêm tránh thai, đặt dụng cụ tử cung. Một số đơn vị, bác sĩ làm việc thường xuyên tại Trạm còn rất ít như Tam Điệp chỉ có 03/9 TYT có bác sĩ. Một số TYT, viên chức phụ trách công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ do thay đổi tính chất công việc, thay đổi vị trí việc làm nên chưa được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên về kỹ năng cung cấp dịch vụ KHHGĐ.
Trang thiết bị, dụng cụ KHHGĐ
Trang thiết bị, dụng cụ KHHGĐ tại TYT tương đối đầy đủ, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực hiện dịch vụ KHHGĐ. Hầu hết các đơn vị đều có ít nhất từ 02 bộ đặt, tháo dụng cụ tử cung và bộ khám phụ khoa. Một số dụng cụ cần thiết cho công tác khám chữa bệnh của trạm như tủ thuốc, giường khám bệnh, bàn thủ thuật, bàn khám phụ khoa, giường nằm, nồi luộc dụng cụ, tủ sấy khô, nồi hấp ướt, bơm kim tiêm.....
Thuốc thiết yếu và phương tiện tránh thai
Tại phần lớn các TYT có đầy đủ thuốc thiết yếu như kháng sinh, thuốc giảm co tử cung; các loại hóa chất sát khuẩn, khử khuẩn các dụng cụ để đảm bảo cung cấp các BPTT lâm sàng và các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho đối tượng có nhu cầu.
Một số TYT có chuẩn bị PTTT phi lâm sàng cơ bản như viên uống tránh thai đơn thuần, viên uống tránh thai kết hợp miễn phí và bao cao su từ nguồn xã hội hóa; hầu hết các trạm chưa cung cấp que cấy tránh thai và thuốc tiêm tránh thai phục vụ cho đối tượng có nhu cầu sử dụng.
Công tác theo dõi giám sát
Công tác giám sát hỗ trợ được các TYT xã quan tâm thực hiện. Trong năm, Trung tâm y tế các huyện/thành phố đã cử viên chức dân số và viên chức chăm sóc SKSS/KHHGĐ giám sát, hỗ trợ Ban dân số, điểm cung cấp dịch vụ trước, trong và sau các đợt cao điểm truyền thông gắn liền với cung cấp các dịch vụ Dân số/SKSS/KHHGĐ. Bên cạnh đó, TYT cũng thường xuyên cử cán bộ giám sát, hỗ trợ đối với nhân viên y tế thôn, bản và cộng tác viên dân số đảm bảo triển khai có hiệu quả các hoạt động.
Tại các TYT có sổ ghi chép các cặp vợ chồng áp dụng các BPTT đảm bảo các cột mục, thực hiện báo cáo và lưu đầy đủ báo cáo thống kê chuyên ngành Dân số - KHHGĐ định kỳ theo quy định. Tất cả các trạm đều có bảng đánh giá tình hình sử dụng các BPTT và so sánh tỉ lệ tăng giảm giữa các năm, lưu số liệu tại trạm đầy đủ.
Tỷ lệ áp dụng các BPTT hiện đại chung bao gồm dụng cụ tử cung, cấy tránh thai, tiêm tránh thai, viên uống tránh thai và bao cao su của còn đạt thấp so với chỉ tiêu kế hoạch được giao trong năm.
Tình hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại Trạm Y tế xã
Việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ được các TYT thực hiện vào 01 buổi trong tuần và tăng cường thêm một số buổi khi thực hiện Đợt cao điểm cung cấp dịch vụ Dân số/SKSS/KHHGĐ năm 2022. Tại các TYT, qua giám sát các báo cáo và sổ lưu trữ tại đơn vị cho thấy số ca sử dụng các PTTT trực tiếp tại trạm giảm so với cùng kỳ năm trước do khách hàng có xu hướng sử dụng các dịch vụ tại các phòng khám tư nhân. Một số TYT có viên chức Y tế thực hiện dịch vụ KHHGĐ được đánh giá ở mức độ cơ bản thuần thục các kỹ thuật đặt và tháo dụng cụ tử cung, kiến thức, kỹ năng tư vấn, cung cấp các PTTT phi lâm sàng và quy trình xử lý dụng cụ.
Đánh giá của khách hàng dịch vụ KHHGĐ
Qua trao đổi trực tiếp với một số khách hàng đang sử dụng dịch vụ tại TYT cho thấy: Số lượng khách hàng thực hiện dịch vụ tại TYT ít nhưng nhìn chung đánh giá ở mức độ hài lòng khi được tư vấn và nhận các dịch vụ KHHGĐ tại trạm.
Sau một năm triển khai thực hiện, nhìn chung TYT các phường, xã, thị trấn có khuôn viên rộng rãi, được quan tâm vệ sinh, ngoại cảnh sạch sẽ, cơ sở vật chất tương đối đảm bảo yêu cầu để thực hiện chuyên môn, có bố trí khu vực ngồi chờ đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong quá trình sử dụng các dịch vụ tại trạm.
Một số TYT có phòng thủ thuật KHHGĐ đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng, diện tích và cấu trúc theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/07/2016 do Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Một số TYT có nhân lực được đào tạo, có chứng chỉ đáp ứng nhu cầu cung cấp một số dịch vụ của khách hàng; trang thiết bị, thuốc thiết yếu và vật tư tiêu hao được chuẩn bị tương đối đầy đủ.
Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, tồn tại
Một số đơn vị, Ban chỉ đạo công tác dân số phường, xã, thị trấn chưa quan tâm thường xuyên, hỗ trợ kinh phí cho đầu tư cơ sở vật chất cũng như hoạt động của TYT nói chung và các hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ nói riêng.
Hầu hết tại các TYT không có bộ truyền thông di động, không có các sản phẩm truyền thông trình chiếu, phòng hoặc góc truyền thông - tư vấn. Ở tất cả các Trạm Y tế thiếu các mô hình/hình ảnh mô phỏng bộ phận sinh dục nam/nữ. Phần lớn TYT không có các tài liệu truyền thông để khách hàng xem hoặc mang về, không có giá/kệ để sản phẩm truyền thông.
Trong thời gian qua, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết cán bộ Y tế tập trung cho chống dịch, viên chức Y tế phụ trách công tác dân số kiêm nhiều việc, mới nhận nhiệm vụ, chưa được đào tạo nên còn lúng túng trong việc triển khai các hoạt động dân số ở cơ sở, trong đó có việc tham mưu ban hành kế hoạch, tổ chức cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại TYT.
Cơ sở vật chất của một số Trạm Y tế xuống cấp, chưa bố trí được phòng thủ thuật riêng; trang thiết bị, dụng cụ KHHGĐ phục vụ công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ còn thiếu, hỏng hoặc không đầy đủ, tường ốp gạch men chưa đảm bảo, bồn rửa tay chưa đúng quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật,... Thậm chí ở một số TYT phòng xuống cấp, tường ẩm mốc không đảm bảo theo quy định về phòng chống nhiễm khuẩn, kệ đựng nước chín vòi nước hoen gỉ, chưa có nước sạch mà sử dụng nước giếng,…Trang thiết bị, dụng cụ KHHGĐ phục vụ công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở một số TYT xã được giám sát thiếu, hỏng hoặc không đầy đủ.
Một số xã, phường thiếu bác sĩ phụ trách công tác điều trị và điều hành hoạt động chuyên môn tại trạm, thiếu nhân lực cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Hoặc một số viên chức được đào tạo đã lâu mà chưa được tham dự các lớp đào tạo lại, đào tạo liên tục cấp chứng chỉ kỹ thuật KHHGĐ, nạo/hút thai an toàn và các lớp tập huấn/bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho cán bộ hệ SKSS.
Tại thời điểm kiểm tra, hầu hết các TYT xã không có đầy đủ các PTTT đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là que cấy, thuốc tiêm tránh thai. Giá gói dịch vụ tại TYT cao so với các cơ sở y tế tư nhân,...
Một số Trạm Y tế xã thực hiện chế độ thống kê, báo cáo định kỳ chưa đầy đủ, kịp thời, một nội dung số liệu còn chưa chính xác, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai dụng cụ tử cung, cấy, tiêm tránh thai còn thấp.
Đội ngũ nhân viên y tế tổ dân phố ở các phường trên địa bàn không còn; mức thù lao cho cộng tác viên thôn, xóm thấp và chậm chi trả dẫn đến tư tưởng không nhiệt tình, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ nói chung và cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại TYT nói riêng.
Phùng Hạnh - CCDS