Lo bùng nổ dân số, Indonesia nỗ lực giảm mức sinh

Y tá một bệnh viện ở thủ đô Jakarta chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: Bloomberg
Theo đó, giới chức quốc gia đông dân thứ 4 thế giới khuyến khích người dân kết hôn muộn hơn, thúc đẩy kế hoạch hóa gia đình, kêu gọi áp dụng các biện pháp tránh thai nhằm giảm tỷ lệ sinh xuống còn 2,1 con/phụ nữ vào năm 2025. Được biết, quốc gia 270 triệu dân này hàng năm đón nhận khoảng 4,8 triệu trẻ sơ sinh. Jakarta lo ngại rằng bùng nổ dân số đồng nghĩa với cơ hội việc làm ngày càng ít hơn, trong khi tạo gánh nặng cho các dịch vụ công.
Trong động thái mới nhất nhằm làm giảm tỷ lệ sinh, Indonesia hồi cuối tháng 1 đã triển khai chiến dịch kế hoạch hóa gia đình, tiếp theo chương trình kéo dài hàng thập kỷ nhằm giảm tỷ lệ sinh từ 3 con/phụ nữ xuống còn 2,4 con/phụ nữ.
Theo bà Satyawanti Mashudi, thành viên Ủy ban quốc gia Indonesia về bạo lực đối với phụ nữ, giảm tỷ lệ sinh là một quá trình lâu dài. Quốc gia này đã mất hơn hai thập kỷ để giảm tỷ lệ sinh từ khoảng 3 con/phụ nữ vào năm 1991 xuống còn 2,4 vào năm 2017. Ngoài ra còn có các giá trị văn hóa và tôn giáo ăn sâu vào quan niệm của người dân. "Người Indonesia chủ yếu theo đạo Hồi. Việc sinh thêm con được coi là mang lại nhiều điều tốt lành. Ngay cả khi phụ nữ cởi mở hơn với các biện pháp tránh thai, chồng và người thân của họ có thể không ủng hộ", bà Satyawanti Mashudi nhận định.
Bài toán dân số nhìn từ Indonesia

Giống như Indonesia, Việt Nam có lực lượng dân số trong độ tuổi lao động tăng cao
Là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới (chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ), Indonesia có lợi thế là lực lượng lao động trẻ (68%, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2018).
Nhưng nhiều thanh niên thuộc thế hệ dân số vàng Indonesia không có tay nghề cao, không biết ngoại ngữ, họ không thể tìm được việc làm có thu nhập ổn định.
Lợi thế cũng là thách thức lớn lao với đất nước này: tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở Indonesia ước tính hơn 5%. Vì thế, nhiều người dân nơi đây đã phải bỏ quê hương tìm các công việc lao động chân tay ở xứ người.
Hiện có khoảng 4,5 triệu người Indonesia đang làm việc ở nước ngoài, đa số là công việc giúp việc gia đình và 70% trong số họ là phụ nữ. Nhiều người trong số họ bị bạc đãi, đánh đập, bị đối xử thậm tệ.
Do vậy, ngoài việc làm chậm tốc độ tăng dân số, đất nước vạn đảo đang nỗ lực nâng cao chất lượng dân số. Ông Hasto Wardoyo, Giám đốc Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình quốc gia Indonesia, cho biết: "Trước đây, trọng tâm các chương trình của Chính phủ chỉ là giảm tỷ lệ sinh còn bây giờ tập trung nhiều hơn vào việc cải thiện chất lượng dân số".
Đánh giá về hướng đi này của Indonesia, ông Patrick Cooke, nhà quản lý tại Công ty nghiên cứu Oxford Business Group (Anh) cho rằng việc nâng cao chất lượng dân số sẽ giúp Indonesia thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. "Tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ hứng thú trước sự thịnh vượng và trình độ kỹ năng ngày càng tăng của nguồn nhân lực ở Indonesia", ông Cooke nhận định.
Tương tự Indonesia, Việt Nam đang trong thời kỳ "cơ cấu vàng" là dân số có khả năng lao động (từ 15 đến 64 tuổi) chiếm tỷ lệ cao, hiện nay chiếm khoảng 69% tổng dân số. Đây là thời kỳ mang lại cơ hội lớn để nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Lo vì liệu dân số vàng nhưng có thực sự là vàng ròng không, khi nhìn vào thực tế ở đất nước Indonesia, không ít người trong lực lượng lao động vàng của Việt Nam cũng ở trong tình trạng tương tự: hầu hết chưa có tay nghề cao, chưa được đào tạo bài bản.
Chúng ta đã bàn khá nhiều về chiến lược phát triển nguồn nhân lực, về việc phải gắn đào tạo nghề với thị trường lao động, việc phải tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nhân lực. Nhưng việc thực hiện chiến lược đó như thế nào vẫn là một dấu hỏi lớn.
Dấu hỏi đó cần được trả lời một cách quyết liệt, nhanh chóng và triệt để, bởi vì lực lượng lao động trẻ chính là một trong những tiềm năng tài sản lớn nhất của một nền kinh tế. Tiềm năng tài sản ấy không tồn tại vĩnh viễn mà sẽ mất đi khi thế hệ lao động trẻ ấy già đi, cùng với gánh nặng mà họ sẽ đặt lên vai cho một quốc gia.
Trịnh Hồng