tin hoạt động ngành

Hội thảo cung cấp thông tin về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp kiểm soát Mất cân bằng giới tính khi sinh

Vừa qua, tại Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Hưng Yên đã diễn ra Hội thảo cung cấp thông tin về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp kiểm soát Mất cân bằng giới tính khi sinh tại các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Hồng có chung tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao. Hội thảo có sự góp mặt của các đại biểu thuộc Chi cục Dân số - KHHGĐ 03 tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Dương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Phạm Văn Khởi Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Hưng Yên nhận định tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam, nhất là các tỉnh đồng bằng sông hồng, trong đó có Hưng Yên ở mức cao (tính trong năm 2023, tỷ số giới tính khi sinh của Hải Dương: 117,9 bé trai/100 bé gái; Hưng Yên 120 bé trai/100 bé gái; Ninh Bình: 117,2 bé trai/100 bé gái). Nếu tình trạng này tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước, thậm chí cả an ninh chính trị quốc gia…

Hội thảo đã nghe 03 báo cáo của các tỉnh, ý kiến trao đổi thảo luận của các đồng chí là cán bộ, công chức, chuyên viên đại diện cho các Chi cục Dân số - KHHGĐ về các vấn đề như: nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh; giải pháp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; những hậu quả do mất cân bằng giới tính gây ra; hình thức tuyên truyền hiệu quả thiết thực; quan niệm trọng nam khinh nữ; những kinh nghiệm trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc của các gia đình có hai con là gái….

Chia sẻ về nguyên nhân của tình trạng MCBGTKS tại Hưng Yên: Đồng chí Phạm Văn Khởi cho biết: Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng MCBGTKS là quan niệm muốn có con trai để nối dõi tông đường vẫn còn tồn tại ở một bộ phận người dân; việc quản lý, xử phạt các cơ sở khám, chữa bệnh, siêu âm, nạo phá thai liên quan đến giới tính thai nhi còn gặp nhiều khó khăn; chưa có các chính sách hỗ trợ gia đình thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ, gia đình sinh con một bề là gái...

Hậu quả của tình trạng MCBGTKS ở Việt Nam được Quỹ Dân số Liên hợp quốc cảnh báo sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu giới tính và nhân khẩu học. Dự báo nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn duy trì như ở thời điểm hiện tại thì Việt Nam sẽ “thừa” khoảng 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu đàn ông vào năm 2059. Bên cạnh đó, MCBGTKS còn ảnh hưởng đến các vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội như gia tăng tình trạng mua bán phụ nữ, mại dâm trẻ em; gia tăng tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục, bạo hành gia đình, bất bình đẳng giới… Sự mất cân bằng giới tính còn làm thay đổi cơ cấu dân số trong tương lai, làm thiếu hụt lao động trong những ngành nghề cần nhiều lao động nữ.

Chia sẻ trong buổi hội thảo về các giải pháp để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên tại tỉnh Ninh Bình, Ông Phạm Ngọc Cương, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Ninh Bình giới thiệu một số giải pháp mà tỉnh đã áp dụng trong thời gian qua như: Chi cục đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo công tác Dân số các cấp trong việc tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể phù hợp với từng ngành, lĩnh vực trong phối hợp tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tăng cường sự tham gia của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc triển khai nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Lồng ghép, tích hợp nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh vào các hoạt động hằng năm của các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin kịp thời nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp, sự ủng hộ và tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa và giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. 

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về mất cân bằng giới tính khi sinh. Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Xây dựng cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin giữa các cơ quan có chức năng điều tra, thanh tra, kiểm tra có liên quan. Thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, buôn bán và lưu hành các tài liệu phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi, các cơ sở dịch vụ y tế liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, thông báo công khai, rộng rãi các đơn vị, cá nhân vi phạm và kết quả xử lý... 

Các đại biểu cũng nhận định các khó khăn mà ngành Dân số phải đối măt trong thời gian gần đây như: do cơ cấu và tổ chức bộ máy của ngành dân số liên tục gặp biến động, nhất là tuyến cơ sở; đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số thường xuyên thay đổi; kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ vừa thiếu và vừa yếu. Một số địa phương vẫn chưa ban hành đầy đủ văn bản để thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành. Tổ chức bộ máy làm công tác dân số luôn không ổn định, thiếu thống nhất giữa các tỉnh, thành phố kéo theo biến động lớn về đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân số theo hướng giảm dần cán bộ có kinh nghiệm, nhất là cấp huyện trở xuống. Việc giao nhiệm vụ cho viên chức thực hiện nhiệm vụ công tác dân số tại nhiều nơi không hợp lý, không theo vị trí việc làm…

Qua hội thảo có thể thấy: công tác dân số hiện nay phải giải quyết đồng bộ và toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế – xã hội. Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cần can thiệp, giải quyết nguyên nhân căn bản, gốc rễ của vấn đề là “định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái” đã “ăn sâu” vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành quan niệm truyền thống của người Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông theo các nhóm đối tượng; đặc biệt cần quan tâm đến việc nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đã được quy định trong các luật, pháp lệnh, quy định về cấm lựa chọn giới tính khi sinh; tranh thủ sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế để vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số…

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chỉ được giải quyết triệt để khi Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp lâu dài và bền bỉ với sự quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị./.

Ngọc Cương

 

Lượt xem: 947 - Cập nhật lần cuối: 2024/04/19 15:25:59
Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ : Số 3, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình
Điện thoại: 0229 3871216    -   Fax: 0229 3871216
Email: dansoninhbinhweb@gmail.com    -   Website: http://dansoninhbinh.vn
Đơn vị xây dựng và phát triển: www.ntssvn.com