Tin thế giới

Duy trì mức sinh thấp hợp lý để kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”

(Thanhuytphcm.vn) - Duy trì mức sinh thấp hợp lý (mức sinh thay thế) nhằm kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”. Đây cũng là nội dung đầu tiên trong định hướng chính sách dân số mới. Những thông tin này đã được đưa ra tại hội thảo báo chí với công tác truyền thông dân số và phát triển trong tình hình mới do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức ngày 6/9 tại TPHCM.

Tốc độ già hóa dân số nhanh

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục Dân số, khi “Tỷ lệ dân số trong độ tuổi (15-64) đạt khoảng từ 66% trở lên, tức là khoảng 2/3 dân số trong độ tuổi có khả năng lao động là cơ cấu dân số “vàng”. Cơ cấu dân số “vàng” mang lại nhiều “dư lợi” về lao động nhưng cũng là thách thức về tạo việc làm, việc làm có năng suất, thu nhập cao. Theo tiêu chuẩn này, năm 2006 Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu dân số “vàng”.

Tuy nhiên, cơ cấu dân số theo nhóm tuổi của nước ta biến đổi nhanh trong 35 năm (1979-2014) và đã bước vào quá trình già hóa, đồng thời sẽ sớm trở thành nước có dân số già.

“Việt Nam đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số” vào năm 2011, khi tỷ lệ những người từ 60 tuổi trở lên đạt 10% tổng dân số và sẽ trở thành nước có “dân số già” vào khoảng năm 2032, khi tỷ lệ này chạm “ngưỡng” là 20%. Tốc độ già hóa Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất thế giới, nếu như các nước phát triển mất hàng thập kỷ, thế kỷ thì Việt Nam chỉ có 16-18 năm” - Thạc sĩ, bác sĩ Mai Xuân Phương nhấn mạnh.

Cùng với tình trạng già hóa dân số, nước ta cũng đang phải đối phó với tình trạng mất cân bằng giới tính khi tỷ lệ sinh ngày càng tăng và đã ở mức nghiêm trọng. Tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ em trai tương ứng với 100 trẻ em gái) khá cao. Năm 2009 tỷ lệ là 110,6 trai/100 bé gái và năm 2014 đã tăng lên 112,2/100 bé gái. Riêng vùng Đồng bằng sông Hồng lên tới 118 bé trai/100 bé gái. Tính đến tháng 6/2015 có 53/63 tỉnh thành mất cân bằng giới tính khi sinh.

TPHCM là một trong những địa phương đạt được nhiều kết quả trong duy trì cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, dù kiểm soát được giới tính khi sinh nhưng cần phải có giải pháp quyết liệt hơn, nếu không có thể mất cân bằng khi sinh. Theo thống kế, năm 2015, TP 2 có quận, huyện vượt quá giới hạn cho phép, đến năm 2016 đã có 5 quận, huyện.

Duy trì mức sinh thay thế

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số Lê Cảnh Nhạc cho biết, trong hơn 50 năm qua công tác dân số ở nước ta tập trung chủ yếu vào truyền thông vận động nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về dân số, đặc biệt là giảm mức sinh; cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Trong hơn 10 năm gần đây, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế 2,1 con/1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên hiện nay, mức sinh đang có sự chênh lệch cao giữa các vùng miền, trong đó những nơi có chất lượng cuộc sống tốt hơn có mức sinh thấp và ngược lại. Khu vực miền Đông Nam bộ, trong đó có TPHCM có mức sinh thấp, trong khi khu vực Bắc Trung bộ, Duyên Hải miền Trung, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên mức sinh vẫn cao. Nếu tiếp tục tình trạng này chất lượng dân số sẽ đi xuống.

Tư vấn về dân số, kế hoạch hóa gia đình tại Quận 3. (Ảnh: N. Nam)Tư vấn về dân số, kế hoạch hóa gia đình tại Quận 3. (Ảnh: N. Nam)

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng thừa nhận TPHCM hiện đang đối diện khó khăn do mức sinh thấp với mức 1,45 con/1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong khi mức sinh thay thế phải là 2,1. Thực trạng này đã đẩy nhanh quá trình già hóa dân số và kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Mai Xuân Phương, trong định hướng chính sách dân số mới việc “Duy trì mức sinh thay thế” là nội dung đầu tiên, để trung bình số con của mỗi bà mẹ khoảng 2,0-2,1. Muốn vậy đương nhiên phải áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Vấn đề là cần tổ chức kế hoạch hóa gia đình theo phương thức mới. Duy trì mức sinh thấp hợp lý nhằm kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”.

Về vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số Lê Cảnh Nhạc cho biết, việc truyền thông trong giai đoạn mới cần ưu tiên chính giải quyết đồng bộ các vấn đề liên quan đến dân số: quy mô dân số, kiểm soát mức cân bằng giới tính khi sinh, thích ứng với già hóa dân số… chứ không chỉ là giảm mức sinh như trước đây; chuyển từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Tuy nhiên, công tác kế hoạch hóa gia đình vẫn rất quan trọng vì số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ đang trên đà tăng mạnh. Hiện cả nước có khoảng 15 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và con số này sẽ lên 25 triệu người trong giai đoạn 2025 – 2030. Cần có biện pháp để những nơi có mức sinh, trong đó có TPHCM mỗi gia đình sinh đủ 2 con để đáp ứng nhu cầu nhân lực. Các khu vực Tây Nguyên, Trung du miền núi phía Bắc cần giảm mức sinh xuống thấp hơn để nâng cao chất lượng dân số.

Lượt xem: 422 - Cập nhật lần cuối: 2018/11/13 11:17:01
Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ : Số 3, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình
Điện thoại: 0229 3871216    -   Fax: 0229 3871216
Email: dansoninhbinhweb@gmail.com    -   Website: http://dansoninhbinh.vn
Đơn vị xây dựng và phát triển: www.ntssvn.com