Phổ biến kiến thức

Chủ động phòng tránh bệnh trầm cảm

Hiện nay, bệnh trầm cảm là một căn bệnh về tinh thần khá phổ biến và có thể mang đến những tác động tiêu cực đối với sức khỏe và cuộc sống. Nếu thấy tâm trạng nặng nề, bi quan, cảm thấy chán nản về mọi thứ, đó là những triệu chứng báo hiệu người đang có nguy cơ bị trầm cảm.

Theo bác sĩ Dương Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Bệnh viện tâm thần tỉnh, trầm cảm có tên tiếng Anh là Depression, là rối loạn tâm trạng gây ra cảm giác buồn bã và mất mát. Trầm cảm ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ và hành xử của người bệnh, có thể dẫn đến nhiều vấn đề về tình cảm và thể chất. Bởi vậy, trầm cảm khiến cho cuộc sống của người bệnh gặp nhiều khó khăn, thậm chí tạo ra những kết cục rất bi thảm: mẹ giết con, vợ giết chồng, tự tử khi còn rất trẻ... Trầm cảm hiện là căn bệnh rất phổ biến. Theo thống kê, có đến 80% dân số trên thế giới sẽ bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc đời của mình. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và thường phổ biến ở nữ giới hơn nam giới.

Hiện nay, việc xác định nguyên nhân của trầm cảm đôi khi gặp khó khăn, nhưng có 3 nhóm nguyên nhân thường được đề cập tới: Nhóm 1 là do sang chấn tâm lý, ví dụ như những áp lực trong công việc; tổn thương, xung đột hoặc mất mát tình cảm; thua thiệt kinh tế; con cái hư hỏng; lo lắng về bệnh tật lâu ngày hoặc bệnh nan y... Nhóm 2 là do bệnh trong cơ thể sinh ra hoặc do sử dụng hay nghiện chất kích thích, ví dụ như các bệnh tổn thương não, các bệnh về tim mạch, hệ tiêu hóa, nội tiết, bệnh đường tiết niệu hoặc nghiện rượu, nghiện ma túy, lạm dụng một số thuốc chữa bệnh và nhóm 3 là không có nguyên nhân (hay còn gọi là nội sinh).

Biểu hiện của trầm cảm là bệnh nhân có các biểu hiện triệu chứng khác nhau như: ngủ nhiều hơn hoặc rất khó ngủ, ăn nhiều hơn hoặc không có cảm giác ngon miệng khi ăn... Trong đó có những triệu chứng trầm cảm phổ biến bao gồm: Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ, mất ngủ trong thời gian dài; Rối loạn về ăn uống: cảm giác chán ăn, ăn không ngon thường xuyên; Cơ thể khó chịu, tâm thần bất an: luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, không thoải mái và lo lắng; Không muốn nói chuyện, tiếp xúc với những người xung quanh; Chậm chạp, không có hứng thú với bất kỳ điều gì; Luôn bi quan trong mọi việc; Luôn lo lắng bản thân kém cỏi, sợ hãi; Có ý nghĩ về tự tử hoặc đã từng có hành vi tự sát...

Nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm ở mỗi người bệnh khác nhau, do vậy, dựa vào nguyên nhân cũng như những biểu hiện của bệnh nhân để có các cách điều trị khác nhau cho từng người. Trong đó, những cách chữa trị trầm cảm chung mà người mắc bệnh trầm cảm nên làm: Bền bỉ khi điều trị; Dùng thuốc theo chỉ dẫn; Không được ngừng sử dụng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sỹ; Thay đổi lối sống; Giảm căng thẳng trong công việc; Trung thực khi điều trị bệnh; Không bao giờ tuyệt vọng.

Về chế độ ăn uống khi điều trị trầm cảm cho tất cả bệnh nhân: Ăn uống đủ chất để giúp cơ thể có đủ dinh dưỡng, nhanh chóng phục hồi sức khỏe, làm tăng hiệu quả điều trị. Nên ăn đủ 4 nhóm thức ăn mỗi ngày như chất đạm (thịt, cá, trứng), chất bột và đường (gạo và ngũ cốc), rau và trái cây (vitamin), chất béo (dầu thực vật, mỡ). Chọn thức ăn dễ tiêu, tăng cường ăn rau xanh, đặc biệt là cải bắp và trái cây như chuối, đu đủ, khoai lang để cung cấp vitamin và chất khoáng giúp cơ thể tăng sức đề kháng, tránh táo bón. Uống nhiều nước hơn bình thường để giúp cơ thể thanh lọc, loại bỏ các chất độc cũng như giúp cho tiêu hóa và đường tiết niệu được tốt.

Dấu hiệu cảnh báo tái bệnh trầm cảm bao gồm: Cảm thấy buồn chán, mệt mỏi đến mức việc thường ngày mình phải gắng sức hoặc thấy khó khăn để hoàn thành; Giảm hứng thú với công việc hoặc những điều thường thích; Cảm thấy bi quan về tương lai của bản thân; Giảm chất lượng giấc ngủ; Ăn không ngon miệng, không muốn ăn; Giảm sự tập trung khi làm việc.

Để giúp bệnh nhân phòng tránh tái bệnh trầm cảm, gia đình cần: Giám sát chặt chẽ tuân thủ điều trị của bệnh nhân, giám sát ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi. Quan tâm, chia sẻ và động viên người bệnh, không kỳ thị, xa lánh và hắt hủi bệnh nhân; khuyến khích sự năng động, hoạt bát, tránh thu mình. Luôn theo dõi sát những thay đổi tâm lý và hành động của người bệnh. Tránh xung đột. Không kỳ thị, xa lánh người bệnh. Nên quan tâm, chia sẻ, động viên tinh thần để họ cảm thấy không bị cô đơn… Theo dõi các tác dụng phụ của thuốc và giúp bệnh nhân vượt qua các tác dụng phụ của thuốc.

Đặc biệt, cần đến ngay cơ sở y tế khi phát hiện một trong các dấu hiệu cảnh báo tái phát bệnh để được thăm khám, điều trị.

Hạnh Chi

Lượt xem: 367 - Cập nhật lần cuối: 2019/02/25 15:55:37
Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ : Số 3, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình
Điện thoại: 0229 3871216    -   Fax: 0229 3871216
Email: dansoninhbinhweb@gmail.com    -   Website: http://dansoninhbinh.vn
Đơn vị xây dựng và phát triển: www.ntssvn.com