Đồng chí Phạm Ngọc Cương, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Hiện nay, công tác dân số-KHHGĐ tỉnh còn một số khó khăn, như: Một số địa phương, đơn vị, cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho công tác dân số. Tổ chức mạng lưới dân số: Hệ thống dân số cấp huyện có sự biến động và đội ngũ chuyên trách dân số xã, cộng tác viên có nhiều thay đổi đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, tư tưởng của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp. Việc xử lý vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ mới được thực hiện đối với các đối tượng vi phạm là đảng viên; tuy nhiên việc xử lý chưa triệt để, chưa đủ sức răn đe để giáo dục và ngăn ngừa các đối tượng khác. Nhận thức của một bộ phận nhân dân về thực hiện chính sách dân số còn hạn chế. Tư tưởng trọng nam, khinh nữ, mong muốn phải có con trai nối dõi tông đường ăn sâu vào một bộ phận quần chúng nhân dân. Hơn nữa, một số người dân có tâm lý muốn sinh thêm con để dự phòng rủi ro. Mất cân bằng giới tính khi sinh còn ở mức cao 114,42 nam/100 nữ, tình trạng này diễn ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên gia tăng...
Trước những khó khăn, bất cập này, trong năm 2019, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế, Ban Chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác dân số - KHHGĐ. Từng bước chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển; đưa các giải pháp giải quyết toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động về các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số. Sản xuất và phân phối các tài liệu truyền thông về dân số. Chi cục phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, Ban Dân số các xã, phường, thị trấn tổ chức các hội nghị truyền thông tại cộng đồng. Tổ chức đợt cao điểm truyền thông, vận động và cung cấp dịch vụ dân số/SKSS/KHHGĐ tỉnh Ninh Bình năm 2019 (diễn ra từ 10/4 đến 31/7/2019) tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh…
Đặc biệt, giải pháp hiệu quả trong công tác dân số đó là quan tâm phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ. Hiện nay đang thực hiện cung ứng phương tiện tránh thai qua kênh miễn phí, kênh tiếp thị xã hội và xã hội hóa. Việc quản lý hậu cần các phương tiện tránh thai đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Tổng cục Dân số - KHHGĐ. Cơ cấu sử dụng các biện pháp tránh thai dịch chuyển theo hướng đa dạng hóa, giảm các biện pháp tránh thai lâm sàng (vòng tránh thai, thuốc tiêm, thuốc cấy) và tăng các biện pháp tránh thai phi lâm sàng ngắn hạn, dễ tiếp cận, dễ sử dụng (như bao cao su, viên uống tránh thai).
Đẩy mạnh thực hiện các mô hình, Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”, Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”; Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”; Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển, đảo, ven biển”; Đề án “Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên và thanh niên” đến các đối tượng, nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng vào công tác dân số. Tính đến tháng 11/2019, toàn tỉnh có 65.721/129.333 người cao tuổi trên địa bàn tỉnh được khám sức khỏe và có 62.987 người cao tuổi có sổ quản lý sức khỏe tại các cơ sở y tế. Ước năm 2019 có hơn 7.000 trẻ sơ sinh được lấy mẫu máu gót chân sàng lọc trong tổng số 13.500 trẻ sinh ra, đạt hơn 54% (KH 50%), tính đến hết tháng 11/2019 toàn tỉnh có 165 trẻ sơ sinh được được lấy máu gót chân sàng lọc miễn phí; ước năm 2019 có 12.452/13.882 phụ nữ mang thai tham gia sàng lọc trước sinh, đạt 89,7% (KH 70%).
Trong năm 2019, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số và nguồn lực cho công tác dân số theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh về việc sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ vào Trung tâm Y tế trên địa bàn và thành lập Phòng Dân số, đến nay, công tác tổ chức tại các Trung tâm Y tế đã ổn định và đi vào hoạt động. Hiện nay toàn tỉnh có 145 cán bộ chuyên trách dân số xã và 1.913 cộng tác viên dân số thôn, bản.
Với những nỗ lực của ngành Dân số- KHHGĐ tỉnh, năm 2019, ước số trẻ sinh ra là 13.500 trẻ (giảm 30 trẻ so với năm 2018); trong đó, sinh con thứ 3 trở lên là 3.741 trẻ (tăng 287 trẻ so với năm 2018), tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 27,7% (tăng 2,2% so với năm 2018). Mức giảm tỷ lệ sinh là 0,15‰, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh ước đạt 89,7%, vượt 14,7% kế hoạch. Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh ước đạt 54,02%, vượt 4,02% kế hoạch năm. Số người mới thực hiện các biện pháp tránh thai là 43.926 người.
Theo BaoNinhBinh