tin hoạt động ngành

Chất lượng lao động chưa phải là "vàng"!

Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số "vàng" nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng". Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” sáng 20.8.

Nhân lực chất lượng cao là nguồn lực chính quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn lại trường lao động Việt Nam có thể thấy đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng. Quy mô và chất lượng cung lao động tăng lên; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực thu nhập, tiền lương của người lao động được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên. Bên cạnh đó thị trường lao động của chúng ta cũng bộc lộ những điểm còn hạn chế, chưa theo kịp được yêu cầu phát triển KT - XH. Cơ cấu thị trường lao động chưa hợp lý, chưa hiệu quả. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng nghề tương lai phục vụ phát triển KT - XH và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế chưa đáp ứng yêu cầu. Việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Theo kết quả đuộc điều tra trong các doanh nghiệp của Việt Nam trong năm 2019 cho thấy, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người lao động có chất lượng cao. 73% doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn trong tuyển dụng những lao động cho vị trí quản lý, 61% doanh nghiệp gặp khó khăn để tuyển dụng người lao động có kỹ năng phù hợp. Trong khi đó, Báo cáo PCI 2021 do VCCI thực hiện phản ánh, đánh giá về chất lượng lao động tại các địa phương từ góc nhìn của doanh nghiệp FDI cũng cho thấy nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là một thách thức. Theo đó, khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (chiếm 62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Đáng chú ý, nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành, chỉ có 15%.

Nguồn cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ; chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số “vàng” để thu hút nguồn lực đầu tư FDI. Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có thể có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Rõ ràng nhìn vào số liệu này cho thấy, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là bài toán nan giải mà doanh nghiệp đã và đang phải đối diện khi tuyển dụng.

Chúng ta đồng tình với nhận định của ông Phạm Tấn Công, bởi chất lượng nguồn nhân lực cao không thể bảo đảm khi tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường. Việc thay đổi kỹ năng của lao động phụ thuộc vào công tác đào tạo nhưng sự thay đổi chương trình đào tạo chính quy tại các trường giáo dục nghề nghiệp luôn có độ trễ so với nhu cầu trên trị trường lao động. Giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ được yêu cầu nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng nghề tương lai phục vụ phát triển KT - XH và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế. Việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Để nâng cao giá trị sức lao động, để không còn tình trạng dân số “vàng” mà chất lượng chưa phải là “vàng” cần có những giải pháp mang tính đột phá. Theo đó, đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số “vàng” để phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chú trọng đào tạo nhân lực với những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật lao động để hội nhập với thị trường lao động thế giới. Cùng với đó, xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động. Đặc biệt, cần tăng cường hiệu quả hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động.

(Theo daibieunhandan.vn) Ngô Hảo

Lượt xem: 248 - Cập nhật lần cuối: 2022/08/24 10:04:36
Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Ninh Bình
Địa chỉ : Số 3, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình
Điện thoại: 0229 3871216    -   Fax: 0229 3871216
Email: dansoninhbinhweb@gmail.com    -   Website: http://dansoninhbinh.vn
Đơn vị xây dựng và phát triển: www.ntssvn.com