Với phương châm "Gặp đâu tuyên truyền đó", "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để vận động người dân thực hiện các chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), những nữ cộng tác viên dân số này đã tiếp cận và tuyên truyền tới người dân bằng nhiều cách thức sáng tạo của riêng mình.
Nữ cộng tác viên dân số thôn Đồng An (xã Lạng Phong): "Người dân đi thuyền không gặp được trực tiếp, tôi gọi điện thoại để tuyên truyền".
Thôn Đồng An, xã Lạng Phong (Nho Quan, Ninh Bình) có đặc điểm 100% dân số theo đạo Công giáo, một số hộ dân sinh sống bằng nghề chài lưới, thường xuyên ở trên thuyền do không có đất canh tác và đất ở trên bờ. Đây cũng là thôn có tỷ số giới tính khi sinh chênh lệch nhất trong toàn huyện với khoảng 160 bé trai/100 bé gái. Nhiều cặp vợ chồng đã sinh nhiều con nhưng vẫn còn tư tưởng sinh thêm.

Chị Nguyễn Thị Nhâm (Áo kẻ) đang tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ.
Tùy vào điều kiện thực tế tại địa phương, công việc hàng ngày của mỗi cộng tác viên, chuyên trách dân số ở huyện Nho Quan là vận dụng nhiều cách tuyên truyền khác nhau như vừa trò chuyện vừa kết hợp với tư vấn; vận động các gia đình không sinh nhiều con; vận động các gia đình không lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh nhằm đảm bảo việc chăm sóc và nuôi dạy con cho tốt và khỏe mạnh.
Trước thực trạng đó, với trách nhiệm là cộng tác viên dân số, ngoài việc tới từng hộ phát tờ rơi tuyên truyền về kiến thức sinh sản, chị Nguyễn Thị Nhâm còn trực tiếp hướng dẫn các biện pháp tránh thai hiện đại cho những chị em trong độ tuổi sinh đẻ.
Chị Nhâm chia sẻ: "Bản thân tôi luôn nỗ lực thực hiện đổi mới trong công tác tuyên truyền để các gia đình thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Đối với các hộ đi thuyền không gặp trực tiếp được, tôi tuyên truyền bằng cách gọi điện thoại để họ nâng cao nhận thức chấp nhận áp dụng các biện pháp tránh thai sinh đẻ có kế hoạch".
Nữ trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Quang: Tập trung tuyên truyền những gia đình sinh con một bề là gái
Là trạm trưởng trạm Y tế nhiều năm liền và đảm nhận nhiệm vụ kiêm cán bộ chuyên trách dân số từ năm 2019 đến nay ở xã Yên Quang, địa phương có trên 72% dân số là người dân tộc Mường, bác sỹ Đặng Thị Phương luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc.
Do tư tưởng "trọng nam khinh nữ" vẫn còn "ăn sâu, bám rễ" trong một bộ phận người dân, dẫn tới tình trạng sinh con thứ 3 và lựa chọn giới tính khi sinh tại địa phương tăng, chị đã tập trung tuyên truyền những gia đình sinh con một bề là gái; nâng cao hiểu biết cho họ về hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhờ đó, nhận thức của các cặp vợ chồng đã có nhiều thay đổi.

Bác sỹ Đặng Thị Phương đang tư vấn cho một gia đình sinh con một bề là gái.
Anh Nguyễn Ngọc Hải, thôn Yên Thịnh, xã Yên Quang cho biết: "Gia đình tôi sinh 2 con gái, nhưng tôi luôn xác định con nào cũng là con, mình phải làm kinh tế vững chắc mới chăm lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn được. Vì vậy, qua tuyên truyền của cán bộ dân số và nhận thức được tác hại sinh đông con nên vợ chồng tôi không sinh thêm nữa."
Để thay đổi được quan điểm phải có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ của một bộ phận không nhỏ trong nhân dân là điều không hề dễ dàng. Thực tiễn này rất cần những cộng tác viên, chuyên trách dân số năng nổ, nhiệt tình tận tụy với công việc mới tạo được sự chuyển biến về nhận thức, thay đổi về hành vi của mỗi người dân. Họ thực sự là cánh tay nối dài không mệt mỏi của ngành dân số.
Sau nhiều nỗ lực và công sức đóng góp của những người cộng tác viên dân số điển hình như chị Nhâm, BS Phương, đến nay tỷ lệ giới tính khi sinh ở Nho Quan đa giảm còn 115 trai/100 bé gái. Riêng xã Yên Quang tỷ số này đã giảm vào cuối năm 2020 là 106 bé trai/100 bé gái.
Nguyễn Hải